Cùng với sự muôn màu của thị trường bánh trung thu năm nay, nhiều loại bánh mới hấp dẫn về ngoại hình liên tiếp được chào bán. Trong số đó, bánh trung thu handmade là “ứng cử viên” sáng giá bởi vẻ ngoài có màu sắc bắt mắt mà giá cả lại khá hợp lý.
Khác với các kiểu bánh trung thu truyền thống thường thấy, bánh handmade có phần nổi trội hơn khi bên ngoài được bàn tay người thợ khéo léo tạo hình hoa lá, sử dụng màu sắc tươi sáng, mới mẻ. Có thể nói, bánh trung thu handmade rất dễ gây ấn tượng vì xinh xắn, và cho thấy sự sáng tạo trong đó. Tùy vào nhu cầu của khách hàng hoặc cảm hứng từ thợ, mỗi chiếc bánh sẽ được trang trí theo những chủ đề khác nhau. Ngoài ra, nhân bánh ngoài các hương vị truyền thống như đậu xanh, hạt sen, sữa dừa, các nhân bánh độc đáo, bắt “trend” cũng được đưa vào như tiramisu, chocolate, phô mai,...
Giá trung bình của loại bánh trung thu hoa nổi, trọng lượng 100-125g, dao động từ 50.000-80.000 đồng /chiếc; bánh hình thú ngộ nghĩnh cho trẻ em giá 8.000-15.000 đồng/ chiếc.
Nhiều gia đình lựa chọn bánh trung thu handmade vì sợ mua phải bánh trung thu hết hạn, bánh không rõ nguồn gốc xuất xứ. “Để đảm bảo sức khỏe, mấy năm nay mình toàn mua bánh trung thu handmade để biếu ông bà và người quen. Bánh có nhiều mẫu mã mới đẹp, ăn rất hợp khẩu vị. Trong khi, một số bánh trung thu của các công ty ăn quá ngọt và còn có chứa nhiều chất bảo quản”, một khách hàng chia sẻ.
Được tin dùng là vậy nhưng thực tế, loại bánh tường chừng như an toàn này cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Để tạo ra phần hình ảnh rực rỡ cho bánh phải cần đến nhiều phẩm màu, nhiều nguyên liệu. Qua khảo sát thực tế cho thấy, nguyên liệu làm bánh trung thu không hiếm, ngược lại còn được bày bán nhan nhản ở các chợ, không xác định được chất lượng, từ bột làm vỏ bánh, hạt làm nhân bánh, nước hương liệu,...không thiếu thứ gì.
Các nguyên liệu được bảo quản trong túi nylon, được chủ hàng đánh dấu bằng mẩu giấy nhỏ. Giá mỗi kg bột làm vỏ bánh chỉ 30.000 đồng, các loại nguyên liệu khác cũng được bán với giá rẻ như lạp xưởng 80.000 đồng/kg, loại đắt thì hơn 100.000 đồng, mứt bí 35.000 đồng/kg,…Nhiều người khẳng định, làm bánh muốn màu đẹp thì phải dùng phẩm màu, chứ màu tự nhiên không thể tươi và đa dạng như vậy được.
Tiến sĩ Phan Thế Đồng (Đại học Hoa Sen) cho biết, một số phẩm màu vẫn được phép sử dụng tại Việt Nam nhưng ở Mỹ và một số nước đã cấm sử dụng. Phẩm màu Brilliant blue FCF (trong sữa, mứt, thạch, tương ớt, quả ngâm đường, rau củ đóng hộp, đóng chai,…), erythrosine (thịt gia cầm qua chế biến, mứt, thạch, trái cây đóng hộp hoặc chai…Việc sử dụng phẩm màu tổng hợp trong thời gian dài, vượt mức cho phép rất có hại cho sức khỏe.
PGS.TS Nguyễn Hữu Thịnh, (Đại học Bách khoa Hà Nội) cũng cho biết thêm, hiện nay một số phụ liệu được bán ở các khu chợ chất lượng không được kiểm soát, đây là điều đáng lo ngại.
Việc bất kỳ một sản phẩm nào được bày bán trên thị trường với mục đích thương mại không đi kèm với sự bảo đảm chất lượng một cách tuyệt đối. Người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình trước những hàng hóa kém chất lượng trà trộn ngày một nhiều như hiện nay. Dù là loại bánh nào cho dịp Tết Trung thu, người mua cũng nên chọn những thương hiệu, địa chỉ uy tín để tìm hoặc đặt làm, tránh ham rẻ rồi lại “rước họa vào thân”.
Xem thêm: