Ngày nay, khi cuộc sống trở nên bận rộn với nhiều nỗi lo toan, việc có thời gian để thư thả dạo chơi, mua sắm quả là điều xa xỉ. Sự phát triển của công nghệ, kết nối thông tin như một cứu cánh cho hoàn cảnh này. Nhiều người nhờ vào mua sắm trực tuyến đã tiết kiệm được kha khá thời gian, tiền bạc và công sức.
Thực tế, việc mua bán online không còn hiếm, nhưng chính sự phổ biến của hình thức này là con dao hai lưỡi, khiến không ít người rơi vào cảnh dở khóc dở cười vì mất tiền oan uổng. Các mánh khóe “treo đầu dê bán thịt chó”, lừa đảo mua hàng,...ngày càng diễn ra công khai và khó xử lý khiến kênh mua bán tưởng chừng hoàn hảo này trở thành nơi đầy rẫy rủi ro.
Theo khảo sát của nền tảng cam kết LocalCircles, 1 trong số 5 sản phẩm được bán trên các nền tảng thương mại điện tử là hàng giả, đặc biệt đối với mỹ phẩm và nước hoa.
Một cuộc khảo sát được tiến hành với khoảng 30.000 người tham gia. Kết quả thu được cho thấy, đối với câu hỏi của LocalCircles về việc liệu họ có nhận được hàng giả trong khoảng 6 tháng hay không, 20% trả lời là có. Một tỷ lệ nhỏ cũng nói rằng họ không biết liệu những sản phẩm họ nhận được là giả hay chính hãng.
Về câu hỏi web thương mại điện tử nào có tỷ lệ hàng giả cao nhất, 37% người trả lời nói Snapdeal, Flipkart 22%, Paytm 21% và Amazon 20%. Trong đó các loại sản phẩm có nhiều hàng giả nhất thì có đến 35% người trả lời là nước hoa, 22% là hàng thể thao và 8% là túi xách.
Vào thời điểm cuối năm, tình trạng hàng giả lại càng sôi động vì đây là lúc chúng tranh thủ trà trộn để tiêu thụ bởi sức mua tăng cao. Các nhà phân tích ngành công nghiệp nói rằng: đây là một môi trường thuận lợi cho người bán vô đạo đức.
Tại thị trường Việt Nam, trên các trang mua bán lớn, không ít khách hàng tá hỏa khi rõ ràng đặt hàng hiệu nhưng nhận về lại là hàng gia công, hàng chợ,...
“Nhiều người bạn của tôi đã cảnh báo không nên mua hàng trên mạng nên tôi cũng tìm hiểu và cuối cùng chọn trang web có uy tín nhưng cuối cùng vẫn tiền mất tật mang. Gọi điện phản hồi, đơn vị bán hàng không cho trả lại hàng và bảo chỉ có thể đổi sang sản phẩm khác. Tôi đành chịu mất tiền để nhận lấy chiếc áo không vừa ý”, một khách hàng phàn nàn.
Theo tiết lộ của một chủ tài khoản bán hàng online trên Facebook, để bán được hàng, thu hút được người quan tâm, nhiều chủ tài khoản Facebook thường lấy hình ảnh quảng cáo các sản phẩm mẫu thiết kế của nước ngoài hoặc web của thương hiệu nổi tiếng sau đó, họ đặt may gia công tại các nhà may. Chỉ khi thanh toán, người mua mới phát hiện sai lầm của mình.
Chưa kể, nhiều người quá tin vào hình ảnh, thông tin quảng cáo trên mạng, sẵn sàng chi số tiền hàng chục triệu đồng để mua máy móc, thuốc men. Những sản phẩm này không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ như cái áo, cái quần mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng rất cao.
Mua hàng online có thể tiết kiệm thời gian nhưng đồng thời sẽ giới hạn quyền kiểm tra, khả năng xem xét sản phẩm của người mua. Lợi dụng điều này, người kinh doanh bất chính sẽ tranh thủ trộn hàng, không thành thật trong khâu quảng cáo để thu về lợi nhuận. Do đó, dù là thông qua các trang mua bán uy tín, người tiêu dùng cũng nên cảnh giác và tỉnh táo trước khi nhấn nút đặt hàng, nhất là với các sản phẩm có giá thành không nhỏ.
Xem thêm: